Nhật Ký Của Giáo Viên Dạy Văn Cấp 3
KHÔNG CHỈ LẪY KIỀU…
Cùng là thơ lục bát thì bài nào cũng lẫy được hết, miễn là đủ cảm hứng và thi tứ. Ví dụ, trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu có câu: "Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng". Mình có thể lẫy là:
1/ "Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bán ... lần bốn phải lui học hành". (Dành cho cái dự luật ... gây bực cho thế gian)
2/ "Thương nhau chia củ sắn lùi/ Ra đường thấy cái ... dùi cui tránh dùm". (Có ai muốn ... bị mất tiền thì cứ tiến tới !!!)
3/ "Thương nhau chia củ sắn lùi/ Lại xây nhà hát còn vui nỗi gì?" (Nhà mình không ở Thủ Thiêm/ Nhưng mà gió thổi đêm đêm thúi ùm . Sáng tác cạnh Bãi rác Đa Phước)
4/ "Thương nhau cắn cái củ mì/ Củ sâm Hàn Quốc có thì biếu nhau". (Đó là giả tao sang giàu/ Đi vay tứ hướng nói tao lên đời).
VẪN HÁT LỜI TÌNH YÊU
1/ Biết bài hát này từ thuở tuổi 20: "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ", và có thể nhiều lần đi dưới hàng me xanh ngát, mà không hề nhớ anh - tác giả phần lời, lại nhớ Bút nhóm Vòm me xanh, hình thành một kiểu dí dỏm: Đọc văn Nguyễn Nhật Ánh lại nhớ MC Lê Đỗ Quỳnh Hương. Rất mong Quỳnh Hương dù "An nhiên mà sống" sẽ ra ít nhất là một tác phẩm nữa, lan man hoài niệm về Vòm me xanh của ngày xưa ấy. Có một thành viên khác - học ngành SP Hội họa - không biết bây giờ đang ở đâu?
2/ Gần tròn 2 tháng trở về đứng trọn trên bục giảng, rất muốn nói lời TRI ÂN với nhiều người đồng thuận và phản biện tích cực về quyết định ... hơi lạ của mình: Từ phó hiệu trưởng - có năng lực- lui về làm giáo viên. Mà một người thầm lặng nói ra chắc ai cũng ngạc nhiên thú vị: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đừng vội cười, mình giống con người thơ của Nguyễn Nhật Ánh. Mình chưa bao giờ làm quen nhà văn lớn này để hưởng thơm tên tuổi, nhưng mình ngưỡng mộ anh một cách chân thành. Có lần mình giận học trò, nói dỗi: Biết mấy người dở tệ như vầy, thà tui đi làm thư ký cho Nguyễn
Nhật Ánh còn hơn. Học trò trêu ... lẽ nào thầy ngữ văn của mình muốn làm ... cô Ánh Nguyệt? Chính vì muốn làm một vầng trăng trong thơ mà từ bỏ chức vụ đang có đó mà.
3/ Cái đó là nhân quả, gần 25 năm qua, mình nói với học trò là Em (viết hoa) của Trịnh Công Sơn là "em ảo ảnh"; còn Em trong bài "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" (Lời thơ Nguyễn Nhật Ánh) có tên là "em mộng mơ" (gắn với tên gọi của cô gái mà ai đó lỡ yêu năm 17 tuổi, và yêu hoài ... cho tới tuổi thất thập cổ lai hi). Đó là bài học mình dặn học trò về kể cho ba nghe (nếu được), còn với mẹ thì không nên ! (Phụ nữ trong đời thường ... thường ganh ghét với phụ nữ trong thơ. Lỡ có mẹ của học trò ... buồn tủi vì chưa thành nàng thơ của ai đó mà kiện ông thầy giáo dạy văn. Rồi xui xẻo cho ông giáo dạy văn là ... sếp của ông ấy cũng... chưa có nàng thơ trong đời, lại không thèm quan tâm Nguyễn Nhật Ánh là ai, chỉ có quan niệm ... Thành phố này là để kiếm tiền mà sống, chứ làm gì có yêu mà có nhớ !!!). Đó là học trò có năng lực ngữ văn, phải giúp nó nhận diện "gương mặt của thơ" mà chọn hành trình đi tới. Có đứa thương thầy nên hỏi: Vậy chứ nàng thơ của thầy tên gì? (Bí quá trả lời đại là Lê Đỗ Quỳnh Hương). Cuối cùng cũng tìm ra Em của tâm hồn nghệ sĩ riêng mình: Em là con dốc Bình Nguyên/ Vừa đi qua đó ưu phiền xua tan... Cảm ơn em Bình Nguyên và nhà thơ Nguyễn Nhật Ánh đã có lời khuyên chân thành dành cho mình khi trọn lòng về với bục giảng. Đứng trên bục giảng, mình chạm vào em Bình Nguyên dễ hơn, nghĩ như anh Nhật Ánh được nhiều hơn.
4/ Vậy ra, hôm nào có chương trình phù hợp, ví dụ "Nói lời xin lỗi", mình sẽ biên thư cho MC Quỳnh Hương, xin lỗi chính cô, vì là cũng khá lâu học trò lầm tưởng có một ông giáo làng thầm thương cô đó. (Mà người như cô, đâu chỉ có một người thương. Câu này ... ba tui nói đó MC à. Lúc nào đó của quá khứ, cô dẫn chương trình nào đó khiến ông cụ nhớ ra thằng con mình trạc tuổi cô, cũng có cách nói thủ thỉ tâm tình, thưa bày lễ phép gần giống cô, ông cụ khẳng khái: Thằng nào có con vợ giọng nói ngọt ngào như vầy có phước lắm à nghen! Mèn ơi, khiến tui muốn phấn đấu thành ... Nguyễn Nhật Ánh để xứng với cô đó mà !!!). Thiệt ra, tui thương một cô mà nhà cô ấy ở gần dốc Bình Nguyên (qua cái dốc này là vào địa phận Gò Gầu Hạ của tỉnh Tây Ninh). Bây giờ, tự tui xui khiến mình phải làm cái gì đó mới hơn từ nền tảng dạy văn. Không phải để xứng với Bình Nguyên mà để thực hành ý nghĩa: bình nguyên chính là bình yên và vẹn nguyên trong giông bão cuộc đời.
HAI ĐỨA MÌNH CHỈ HỌC CHUNG MỘT LỚP MÀ THÔI !
1/ Một chút hãnh diện khi về xứ Trảng, vẫn còn nghe âm vang câu này: Phải H. đó không, chúng mình cùng khóa đó mà ! Và chúng ta cũng thầm cảm ơn tiền nhân, dân Trảng Bàng ai cũng đi chợ, mà hễ có đi chợ Trảng, đi ngã nào rồi cũng ngang qua cổng trường THPT Nguyễn Trãi, một thiết kế vi diệu của người xưa. Nếu quê mình được nâng cấp thành thị xã, thì đúng là "Thị xã trong tầm tay". Nếu có dịp đi bộ từ cổng THPT Nguyễn Trãi xuôi xuống kinh chợ Trảng cũ, bạn sẽ cảm ra cái bàn tay kiến thiết và nâng niu ấy khi đứng sau Đền thờ Ông Cả. Nghe cả tiếng vó ngựa của người xưa vọng về nữa, khi xứ Trảng hóa tâm hồn tự bao giờ.
2/ Khỏi cần đọc lý lịch trích ngang, đọc đoạn văn trên thôi cũng biết nghề của người viết rồi. Cũng như các bạn cùng khóa gặp lại đều thốt lên: Hạnh phúc lắm phải không H.? Ông được làm cái nghề ông thích, mà từ nhỏ đã có sở trường. Chỉ trách ông một việc thôi: Sao ông không về quê dạy học? Để vun đắp tâm hồn cho những công dân trẻ biết yêu hơn "Thị xã trong tầm tay". Ui chao, nếu năm 18 tuổi được nắm tay ai, đi đúng cái lộ trình khát vọng, thì 30 năm sau có đủ độ lắng của lòng mà nghĩ về Trảng Bàng như khoảnh khắc sáng nay? Có lẽ là sau những truân chuyên người ta mới nhận ra đủ đầy ý nghĩa của sự bình yên. Có đi xa và đau niềm vụn vỡ, người ta mới nghe ra những ngọt lành khi chạm vào địa danh Ngã tư An Bình, hay là biết xót lòng khi qua dốc Bình Nguyên,....
3/ Làm sao trách được trần gian khi năm 20 tuổi người ta có quyền nghĩ là vướng làm chi vào văn chương cho tình lụy? Lấy làm chi người chồng làm nghề văn cho sướng ít khổ nhiều? Và rồi bao nhiêu năm người ta cũng xa xứ, nghe ai kể về Trảng Bàng bằng ngôn ngữ tình yêu, người ta mới nhận ra giản dị một điều: Ông H. à, ông có kỹ năng làm cho người ta yêu hơn cái gì đó đã là kỷ niệm. Và bản thân ông cũng là hoài niệm của người ta luôn !!! Một chiều nào mình về xứ Trảng thì cũng như Vũ Đức Sao Biển về Gành Hào mà tiếc một vầng trăng…
NĂM TRIỆU & CHÍN MƯƠI TRIỆU
Ba năm trước, có một cô giáo suýt bị phạt hành chính 5 triệu vì dám chê cái mặt của một ông quan là khó ưa. Và một tuần nay, một anh thợ điện cũng khổ sở vì sắp nộp phật 90 triệu do lỡ đổi 100 đô tại nơi chưa có giấy phép được đổi ngoại tệ. Rất may, 2 ông quan ấy ... không làm quan ở chỗ tui ở, chứ nếu tui mà đủ tiền thuê sóng truyền hình, tui sẽ mời 2 ông thi vấn đáp, câu hỏi này học trò lớp 10 phải trả lời được: Anh/ chị có suy nghĩ gì về trăn trở của Nguyễn Trãi "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân"?
Việc cô giáo - phụ nữ mà - lỡ có "bình luận" mặt anh nào đó khó ưa, cũng bình thường thôi. Cứ ghé trường cô ấy dạy, mời cô ấy uống ly cà phê, uống xong chỉ cần nói ... chào cô, anh về (anh chứ không phải ông quan, anh tức là anh nói với em thôi)... Chắc chắn, cô ấy sẽ chụp hình mình và anh quan, đăng lên Facebook và ... tự sướng: Mèn ơi, tưởng anh chảnh, nào ngờ dễ thương ghê. Hay là, ông anh chỉ có khả năng trò chuyện với đám chân dài não ngắn? Thử nghe giáo viên văn đẹp mặn mà chửi sắc sảo một lần để ... sống nhân văn hơn.
Rất cảm ơn, nhờ sự kiện của cô giáo, 3 năm qua, viên chức được quán triệt là đừng có bình luận giống cô. Nhưng thử hỏi giá trị giao dịch là 100 đô chuyển sang 2.260.000 VND mà ký quyết định phạt tới 90.000.000 VND thì làm sao có gương mặt dễ thương, nhân đức đây? Hay là ... phải cảm ơn anh ấy vì anh làm cho chúng ta ... dạy Truyện Kiều mà ... ngưỡng mộ Nguyễn Du hơn?
Sưu tầm bởi gia sư Olympia
Xem thêm