Hãy để nghề Gia Sư - Về đúng nghĩa là: GIA SƯ
Gửi sinh viên yêu quý của cô!
Cô thường khuyên các bạn học cố gắng đi gia sư, không chỉ đơn giả là trang trải thu nhập mà còn để rèn luyện kĩ năng của chính mình.Cô cũng thường được nghe các bạn than thở là: học sinh hư lắm, học sinh lười lắm, học sinh bướng lắm, học sinh dốt lắm....Nghe vậy là cô hiểu vấn đề ở đây nằm ở chính các em chứ không phải ở những cô bé, cậu bé kia.
Mục đích phụ huynh thuê gia sư là gì? Đa số phụ huynh thuê gia sư với mong muốn con mình tiến bộ, mà sự tiến bộ ở đây rất cụ thể, tiến bộ về thành tích, tức là quan tâm tới kết quả ngắn hạn, có biểu hiện cụ thể. Việc này dẫn tới sinh viên chúng ta thường làm những việc như: giảng lại bài trên lớp, giảng trước bài mới, cùng làm bài tập với trẻ, giao thêm bài tập cho trẻ. Chúng ta vô tình cũng chỉ quan tâm tới mục đích ngắn hạn.
Trách nhiệm của gia sư là gì? Cô không nói tới việc phụ huynh yêu cầu điều gì, cô muốn nói tới ý thức trách nhiệm của chính bản thân các em. Chúng ta đang học để trở thành giáo viên, vậy cho nên chúng ta dù là hoàn cảnh nào, khi tiếp xúc với một đứa trẻ cũng phải đặt mục tiêu giáo dục lên hàng đầu, dạy học phải đi kèm với giáo dục. Hãy tự hiểu rằng sứ mệnh của các bạn là góp phần xây dựng những công dân tử tế, những công dân lương thiện, nhân ái và yêu thích kiến thức.
Về giáo dục:
Muốn xây dựng những công dân tử tế, những công dân lương thiện, nhân ái trước tiên các em phải dạy học bằng lòng nhân ái . Thế nào là dạy học bằng lòng nhân ái? Hãy cố gắng để hiểu trẻ, để trở thành một người bạn với trẻ, chia sẻ với trẻ những khó khăn, khúc mắc ở cả trường và nhà, việc làm này không mất nhiều thời gian, chỉ cần các em chân thành là được. Khi đã tin tưởng các em, việc trẻ hợp tác với các em là điều đương nhiên. Những đứa trẻ bướng bỉnh, láo toét (theo cách người lớn nói) có thể nó đang bị tổn thương, đã phải sống trong ngược đãi, đừng vô tình biến mình thành một người lớn góp phần ngược đãi trẻ. Một bạn tâm sự với cô: “Học sinh của em lì lắm cô ơi. Mẹ của học sinh em bảo, nó không nghe thì cô cứ đánh. Em thấy mẹ và chị của em ấy toàn đánh thôi, nhưng em ấy không sợ”. Nghe mà xót xa cho cậu bé đó quá các em ạ. Vì sao cậu bé lì lợm, vì trong cả thời gian dài bị chính người nhà của mình, tệ hơn là mẹ ngược đãi, hành hạ, dạy dỗ bằng roi vọt. Lì vì đã chai sạn với bạo lực. Em bé đó lớn lên bằng bạo lực, được nuôi dưỡng bằng bạo lực, sẽ trở thành con người bạo lực. Gia sư chúng mình chính là người ngăn chặn được tương lai mù mịt đó của em bé.
Để trở thành một nhà giáo dục các em ngoài việc học chuyên môn nhất thiết phải đọc thêm những sách về khoa học giáo dục, như là Con phải tới Havard học kinh tế, Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt, Giáo dục tuyệt với nhất bằng đơn giản nhất, Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương, Con không ngốc con chỉ thông minh theo một cách khác, sách về phương pháp Montessori. Những tác phẩm văn học có tính giáo dục cao: Những tấm lòng cao cả, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Totochan cô bé bên cửa sổ, Trên bục giảng .... Đọc để chắt lọc lấy những gì phù hợp, để trở thành một giáo viên vị tha, nhân ái.
Về dạy học:
Vì sao tiêu đề của cô lại là “gia sư cho lớp 1”? Trong bài này cô chỉ muốn nói tới các bé lớp 1. Những lứa tuổi khác sẽ được đề cập trong một bài viết khác. Trẻ tầm lớp 1,2 chủ yếu mới làm quen với môi trường học tập, là độ tuổi kéo dài từ mẫu giáo. Do đó hoạt động học tập phải diễn ra giống như cách mà các em tiếp nhận cuộc sống. Cố gắng thiết kế các hoạt động học thật sinh động, hấp dẫn, dựa trên niềm yêu thích của trẻ. Kết hợp nhiều nhất hình thức học mà chơi chơi mà học.
Cụ thể là như thế nào? Thứ nhất là về thời gian. Thông thường 1 buổi gia sư kéo dài 2 tiếng. Một đứa trẻ 7,8 tuổi không thể ngồi học nghiêm túc liên tục 2 giờ đồng hồ (sinh viên chúng ta cũng chỉ học 50p/ tiết), cho nên tuyệt đối không kéo dài buổi học liên miên như vậy, trẻ không thể tiếp thu được. Hãy thiết kế 2h đó thành 2-3 hoạt động học khác nhau, giữa các hoạt động có thể nghỉ 5-10 phút, thời gian nghỉ có thể chơi trò chơi nhỏ, trò chơi vẫn mang tính giáo dục nhưng nên thực sự sảng khoái để trẻ refresh bản thân.
Thứ hai là về hình thức học. Học với trẻ nhỏ không nhất thiết phải ngồi vào bàn học. Nếu 2giờ chỉ cần 30p ngồi nghiêm túc là đủ, thời gian còn lại có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào ví dụ như sàn nhà. Đừng khô cứng quá, hãy chuẩn bị bút màu, giấy vẽ, đồ chơi mà trẻ yêu thích để làm giáo cụ. Ví dụ như học toán, nên đi từ cụ thể tới trừu tượng. Cụ thể là học đếm vật thật trước trừu tượng là những con số. Làm sao để gắn toán học với cuộc sống thực, gần gũi với trẻ, như là đếm đồ chơi, cho nhận đồ chơi để học toán cộng trừ, toán có lời văn. Dùng que tính để học đoạn thẳng, hình....Nhưng su đó nhớ gút lại mỗi bài, mỗi hoạt động bằng con số .
Học đọc thực ra lại càng đơn giản. Đọc tất cả những thứ xung quanh nhà. Cho trẻ kể lại chuyện của trẻ còn mình ghi lại, sau đó cùng đọc với trẻ. Đọc sách cho trẻ nghe, dạy trẻ cách đọc sách. Sách ban đầu phải là sách tranh đẹp, nội dung dí dỏm, hấp dẫn trẻ, và ngắn thôi. Cũng không nên đọc truyện xong bắt trẻ kể lại hay là kiểm tra vài câu hỏi, như vậy có khi làm trẻ căng thẳng. Hãy cùng trao đổi với trẻ, và luôn luôn tận dụng những cây bút màu để viết lại những thứ cần thiết, mục đích là dạy chữ cho trẻ.
Trong quá trình dạy các em sẽ tự có rất nhiều sáng kiến hay hơn, tốt hơn. Chỉ cần luôn tâm niệm mình dạy trẻ mà trẻ không biết là đang được dạy. Có khi đánh lừa bằng cách, “ thôi hôm nay mình không học nữa, cô trò mình chỉ đọc truyện thôi, chỉ vẽ thôi...”, thế là mình lồng các nội dung cần dạy vào. Trẻ hóa hức chơi nhưng thực ra học được rất nhiều, rất nhớ và rất hiệu quả.
Nói chung đối với việc học, các em có 2 nhiệm vụ: phải làm cho trẻ yêu thích đọc sách, từ đó trẻ sẽ dần dần được bồi dưỡng tình yêu kiến thức. Yêu thì mới sống với nhau lâu dài được phải không các em? Thứ 2: phải học trong tâm thế thoải mái, hứng khởi. như vậy các noron thần kinh mới được kích thích, mới sẵn sàng tiếp nhận kiến thức. Chỉ cần bị mắng, bị căng thẳng là trẻ quên tiệt luôn đấy (chính chúng ta cũng thế còn gì).
Theo cách này các em vất vả hơn 1 chút, chịu khó thiết kế hoạt động trước khi đến lớp, chuẩn bị giáo cụ đơn giản nhưng hấp dẫn. Đừng nghĩ là: vẫn từng đó tiền việc gì phải vất vả. Cố nhắc lại tiền chỉ là một vấn đề nhỏ, rèn luyện cho mình thành giáo viên chân chính là vấn đề lớn hơn.
Trên đây chỉ là kinh nghiệm của cô, có thể có những điều chưa thực sự phù hợp nhưng cô nghĩ, giáo dục bằng lòng yêu thương bao giờ cũng tuyệt vời nhất. Chúc sinh viên của cô thành công.
Xem thêm